Parvovirus ở chó (CPV) là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan nhanh chóng và gây tử vong cao, đặc biệt ở chó con. Vậy làm thế nào để nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh Parvo ở chó? Bệnh Parvo có thể chữa khỏi hoàn toàn không? Và chúng ta có thể làm gì để bảo vệ những người bạn bốn chân khỏi căn bệnh nguy hiểm này? Hãy cùng Funpet tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau đây.
Bệnh Parvo ở chó là gì?
Bệnh Parvo ở chó là bệnh viêm ruột truyền nhiễm cấp tính do Parvovirus canine (CPV) gây ra. Bệnh này đặc biệt nguy hiểm đối với chó con và chó trưởng thành chưa được tiêm phòng đầy đủ.
CPV là một loại virus có khả năng lây lan mạnh, tấn công các tế bào phân chia nhanh trong cơ thể chó, đặc biệt là các tế bào niêm mạc ruột. Điều này dẫn đến tình trạng viêm ruột cấp tính và tỷ lệ tử vong là trên 80% nếu không được điều trị kịp thời.
Nghiên cứu của Hiệp hội thú y Hoa kỳ đã chỉ ra rằng: giống chó Rottweiler có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do CPV cao hơn do có gen đề kháng với Parvovirus nên không tạo được kháng thể khi tiêm vaccine. Hơn nữa, CPV có khả năng lây lan nhanh chóng sang các giống chó khác. Do đó, việc phòng ngừa và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe của thú cưng.
Bệnh Parvo ở chó có thể biểu hiện dưới 3 thể chính: thể ruột, thể tim và thể tim ruột kết hợp. Mỗi thể bệnh có những đặc điểm và mức độ nguy hiểm khác nhau.
Dấu hiệu nhận biết chó bị Parvo
Bệnh parvo dưới dạng thể ruột là phổ biến và thường gặp nhất, chúng sẽ có biểu hiện như sau:
Chó bị parvo giai đoạn đầu
Chó bị Parvo giai đoạn đầu thường chỉ có dấu hiệu nhẹ như mệt mỏi, ít vận động, ăn ít hơn hoặc chán ăn, kể cả những món mà thường ngày chúng rất thích. Giai đoạn này thường kéo dài từ 3-5 ngày và rất khó để phát hiện bệnh. Thời gian này tuy chưa có biểu hiện rõ rệt nhưng Parvo là một bệnh do virus gây ra nên chó đã có khả năng lây nhiễm mầm bệnh cho những bạn chó khác.
Giai đoạn phát bệnh và có dấu hiệu rõ rệt
Chó nôn ói và tiêu chảy ra máu
Khi chó bị bệnh Parvo thể ruột, Parvovirus tấn công niêm mạc ruột, gây viêm ruột cấp tính. Điều này dẫn đến tình trạng nôn mửa thường xuyên và tiêu chảy nặng, phân màu hồng và đôi khi có lẫn máu tươi, kèm theo mùi tanh đặc trưng.
Sụt cân nhanh chóng
Do mất nước và điện giải qua nôn mửa và tiêu chảy, cũng như khả năng hấp thu dinh dưỡng kém đi, chó bị parvo sẽ giảm cân nhanh chóng, dễ dàng nhận thấy qua vóc dáng gầy gò, hốc hác.
Chó bị Parvo giai đoạn cuối
Hạ thân nhiệt
Sau giai đoạn sốt cao ban đầu, cún có thể rơi vào tình trạng hạ thân nhiệt do mất nước và rối loạn điện giải nghiêm trọng. Đây là một dấu hiệu nguy hiểm, cần được xử lý khẩn cấp.
Nhịp tim nhanh và cơ thể suy nhược
Do mất nước và mất cân bằng điện giải, tim của cún phải làm việc nhiều hơn để duy trì tuần hoàn máu, dẫn đến nhịp tim nhanh. Cún cũng trở nên suy nhược, mệt mỏi, lờ đờ do mất sức.
Cho dù được cấp cứu kịp thời thì Chó bị Parvo giai đoạn cuối có tỷ lệ sống sót rất thấp, thường dưới 10% do virus đã gây ra tổn thương nghiêm trọng đối với ruột và hệ thống miễn dịch của chó. Chúng sẽ dần hôn mê do suy đa tạng và sau đó tử vong
Trong trường hợp chó mắc bệnh Parvo ở thể tim hoặc thể tim, ruột kết hợp thì tỉ lệ tử vong là rất cao và chết rất nhanh khi có các biểu hiện tim, lách, phổi, ruột … xuất huyết nặng.
Chó bị Parvo bao lâu thì khỏi bệnh?
Thời gian hồi phục phụ thuộc vào giai đoạn bệnh khi bắt đầu điều trị. Chó được điều trị ở giai đoạn đầu thì thời gian điều trị cũng ngắn hơn so với chó được điều trị ở giai đoạn nặng. Bệnh Parvo ở chó không có khả năng tự khỏi hay điều trị tại nhà mà đòi hỏi sự can thiệp y tế từ các bác sĩ có chuyên môn.
Thời gian diễn biến của bệnh thường kéo dài từ 4 đến 7 ngày. Trong trường hợp được điều trị tích cực và tuân thủ đúng phác đồ điều trị, các triệu chứng lâm sàng có thể thuyên giảm sau khoảng 1 tuần.
Tuy nhiên, một số trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong chỉ sau vài ngày khởi phát bệnh. Rất hiếm trường hợp bệnh kéo dài quá 1 tháng. Nếu không được điều trị kịp thời, chó mắc bệnh Parvo có thể chỉ sống được trong khoảng 3-4 ngày kể từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên.
Chó bị Parvo có chữa được không?
Chó bị Parvo có thể được chữa trị và khỏi bệnh hẳn nếu được phát hiện và điều trị sớm khi bệnh đang ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn, tỷ lệ tử vong sẽ hơn 90%. Do đó, việc theo dõi sát sao sức khỏe của thú cưng và đưa chúng đến cơ sở thú y ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ là vô cùng quan trọng.
Bác sĩ thú y sẽ tiến hành các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu, soi phân, sử dụng que test thử parvo ở chó từ đó chẩn đoán chính xác và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Cách điều trị bệnh cho chó bị Parvo
Bệnh parvo ở chó hiện nay chưa có thuốc để điều trị đặc hiệu. Chúng ta chỉ điều trị triệu chứng và hỗ trợ tăng sức đề kháng của chó.
Bù nước và điện giải: Truyền dịch tĩnh mạch (nước muối sinh lý 0.9%, Ringer Lactate, Glucose 5%) là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa mất nước và rối loạn điện giải, hai biến chứng nguy hiểm của bệnh Parvo.
Kiểm soát nôn mửa: Sử dụng thuốc để giảm nôn mửa, giúp chó giữ lại nước và điện giải.
Phòng ngừa nhiễm trùng thứ phát: Sử dụng kháng sinh phổ rộng để ngăn ngừa nhiễm trùng cơ hội do hệ miễn dịch suy yếu.
Tăng cường sức đề kháng: Bằng cách truyền dịch để bổ sung các loại vitamin và khoáng chất để hỗ trợ hệ miễn dịch và tăng cường sức khỏe tổng thể cho chó, giúp thú cưng vượt qua bệnh.
Vệ sinh môi trường sống: Virus Parvo có thể tồn tại trong môi trường trong thời gian dài. Do đó, việc vệ sinh thường xuyên nơi ở của chó: chuồng trại, bát ăn, đồ chơi,… là rất quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Chế độ ăn uống đặc biệt: Vài ngày đầu tiên bác sĩ sẽ chỉ định cho cún nhịn ăn để giảm áp lực lên đường ruột (yên tâm vì chó đã được truyền dịch nên không lo sẽ thiếu dinh dưỡng nhé). Sau đó khi đã đáp ứng thuốc tốt, bác sĩ sẽ cho thú cưng ăn những thức ăn mềm và dễ tiêu hóa (thịt viên nấu mềm, cháo trắng thịt bằm, pate tươi,…) và luôn đảm bảo cho chó uống đủ nước sạch. Chế độ ăn đủ dinh dưỡng sẽ giúp chó có thêm sức đề kháng để vượt qua bệnh tật.
Phương pháp phòng ngừa bệnh Parvo cho chó
Tiêm phòng vaccine: Vaccine Parvo (thường kết hợp với vắc xin Carre trong vắc xin DP) là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất, giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và tăng tỷ lệ sống sót lên đến 95%. Chó con đặc biệt dễ mắc bệnh do kháng thể từ sữa mẹ có thể không đủ bảo vệ hoặc bị trung hòa bởi vắc xin. Khi chó con được 5-6 tuần tuổi, bạn hãy cho bé tiêm phòng vaccine và tiêm nhắc lại theo lịch của bác sĩ thú y.
Khám sức khỏe định kỳ: Đưa chó đi khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe, bao gồm cả bệnh Parvo, từ đó có thể điều trị kịp thời và hiệu quả hơn.
Cho đến khi chó con hoàn thành lịch tiêm chủng, hạn chế đưa chúng đến những nơi công cộng như công viên, lớp huấn luyện, cửa hàng thú cưng, khách sạn hay tiệm cắt tỉa lông. Tránh để chó chưa tiêm phòng tiếp xúc với chó bệnh hoặc chó chưa rõ tình trạng tiêm phòng.
Lưu ý rằng ngay cả khi đã tiêm phòng, một số ít chó vẫn có thể mắc bệnh do không tạo đủ kháng thể bảo vệ. Vì vậy, không nên để chó tiếp xúc với phân của chó khác, đồng thời dọn dẹp vệ sinh phân của thú cưng để ngăn ngừa lây nhiễm Parvovirus cũng như các bệnh khác.
Nếu phát hiện chó nhà mình có biểu hiện nôn mửa, tiêu chảy hoặc đã tiếp xúc với chó bệnh, không nên đưa chúng đến nơi công cộng để tránh lây lan bệnh cho các bạn khác.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Một chế độ dinh dưỡng cân đối, đầy đủ dinh dưỡng và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của chó sẽ giúp tăng cường sức đề kháng và tăng khả năng khỏi bệnh.
- Chó con dưới 8 tuần tuổi nên được bú sữa mẹ đầy đủ để tăng cường miễn dịch thụ động.
- Từ 8-16 tuần tuổi, chó con nên được cho ăn thức ăn mềm, đã được xay nhuyễn và đảm bảo dễ tiêu hóa.
- Từ 16-24 tuần tuổi, bạn cho chó thêm xương nhai để giúp chó phát triển cơ hàm (có thể dùng xương vị thịt, vị sữa đóng gói sẵn, không dùng xương heo trong thức ăn của người vì khi chó nhai và nuốt các mảnh xương vỡ có thể làm tổn thương hệ tiêu hóa của chó)
- Chó trên 6 tháng tuổi bạn cho ăn thức ăn nấu chín cắt miếng lớn hoặc thức ăn hạt khô đảm bảo chất lượng.
- Luôn đảm bảo cho chó uống đủ nước bằng cách để nhiều bát nước quanh nhà giúp chó dễ nhìn thấy và uống nước thường xuyên hơn.
Bác sĩ Funpet giải đáp một số thắc mắc liên quan đến “Bệnh Parvo ở chó”
Có thể sử dụng các biện pháp dân gian để chữa bệnh Parvo không?
Một số biện pháp dân gian như sử dụng lá ổi, lược vàng có thể được áp dụng trong trường hợp không có điều kiện tiếp cận với dịch vụ thú y. Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp này không được đảm bảo và không thay thế được việc điều trị chuyên nghiệp tại các phòng khám thú y
Làm thế nào để khử trùng môi trường sống của chó bị nhiễm Parvo?
Virus Parvo rất bền trong môi trường và có khả năng kháng nhiều loại chất tẩy rửa thông thường. Chúng tôi đã biên soạn một bài viết riêng về hướng dẫn cách khử trùng virus parvo ở chó, thân mời bạn tham khảo.
Bệnh parvo ở chó có lây sang mèo không?
Bệnh Parvo ở chó không lây sang mèo. Virus Parvo gây bệnh ở chó (Canine Parvovirus) và virus gây bệnh ở mèo (Feline Panleukopenia Virus) là hai loại virus khác nhau, mặc dù chúng đều thuộc họ Parvoviridae. Chó và mèo có hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa khác nhau, do đó virus gây bệnh ở chó thường không ảnh hưởng đến mèo
Bệnh parvo ở chó là một căn bệnh nguy hiểm, cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Nếu bạn nghi ngờ thú cưng của mình có dấu hiệu mắc bệnh, hãy đưa bé đến bệnh viện hoặc phòng khám thú y để được thăm khám và điều trị. Thú y Funpet với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, chúng tôi cam kết mang đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho những người bạn nhỏ.
Câu hỏi thường gặp
Bệnh Parvo ở chó lây truyền qua đường nào?
Parvovirus có khả năng lây lan cực kỳ cao thông qua nhiều con đường khác nhau:
Tiếp xúc trực tiếp: Chó khỏe mạnh tiếp xúc với chó nhiễm bệnh qua đường hô hấp, nước bọt, hoặc dịch tiết khác.
Phân-miệng: Chó khỏe mạnh vô tình nuốt phải phân của chó nhiễm bệnh, chứa một lượng lớn virus. Thậm chí chỉ cần ngửi phân dính ở hậu môn của chó bệnh cũng có thể lây nhiễm.
Môi trường ô nhiễm: Virus có thể tồn tại trong môi trường đất, cỏ, hoặc các bề mặt khác trong thời gian dài. Chó khỏe mạnh có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc với những khu vực này.
Gián tiếp: Virus có thể bám vào giày dép, quần áo, hoặc các vật dụng khác đã tiếp xúc với phân nhiễm bệnh, sau đó vô tình được mang vào nhà hoặc chuồng trại.
Bệnh parvo ở chó có lây sang người không?
Theo các bằng chứng y khoa hiện nay, virus Parvovirus canine (CPV) gây bệnh Parvo ở chó không có khả năng lây nhiễm sang người. Đây là một loại virus đặc hiệu chỉ lây nhiễm giữa các cá thể chó với nhau.
Mặc dù có một loại virus Parvo khác là Parvovirus B19 có thể gây bệnh ở người, nhưng đây là hai loại virus hoàn toàn khác biệt và không có khả năng lây nhiễm chéo giữa người và chó.
Vì vậy, bạn có thể yên tâm rằng việc tiếp xúc và chăm sóc chó mắc bệnh Parvo sẽ không gây nguy cơ lây nhiễm cho bạn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn vẫn nên tuân thủ các biện pháp vệ sinh cơ bản như rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với chó bệnh và vệ sinh môi trường sống của chó thường xuyên.
Chó bị bệnh Parvo ở ngày thứ mấy là nặng nhất?
Không có một mốc thời gian cố định nào để xác định giai đoạn nặng nhất của bệnh nhưng thông thường các triệu chứng sẽ trở nên nghiêm trọng nhất trong khoảng từ 5 đến 7 ngày sau khi chó bắt đầu có biểu hiện bệnh. Trong giai đoạn này, chó có thể bị tiêu chảy ra máu, nôn mửa liên tục, mất nước trầm trọng, và suy nhược cơ thể.
Chó bị Parvo có thể được điều trị tại nhà không?
Chó bị Parvo không nên điều trị tại nhà vì các triệu chứng nôn và tiêu chảy của bệnh Parvo cần sự điều trị y tế chuyên môn như truyền nước, dinh dưỡng nhằm khắc phục tình trạng mất nước và suy nhược do bỏ ăn ở chó.
Chó đã từng mắc bệnh Parvo có thể bị lại không?
Chó đã từng nhiễm bệnh Parvo và được điều trị khỏi thường sẽ phát triển miễn dịch đối với virus này, giúp bảo vệ chúng khỏi việc nhiễm bệnh lại. Tuy nhiên, có một số trường hợp hiếm gặp mà miễn dịch không kéo dài vĩnh viễn, và có thể có nguy cơ nhiễm bệnh lại.