Bạn lo lắng khi chó của mình bỗng dưng lờ đờ, thở gấp và có biểu hiện nghi ngờ sốt cao? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về những dấu hiệu, cách xử lý kịp thời và biện pháp phòng ngừa khi chó bị sốt. Từ đó giúp chó vượt qua giai đoạn khó chịu này một cách an toàn và hiệu quả. Hãy cùng tìm hiểu nội dung chi tiết trong bài viết này nhé!
Dấu hiệu nhận biết chó bị sốt
Nếu nhà bạn có sẵn nhiệt kế cho chó, việc sử dụng nhiệt kế sẽ xác định chính xác tình trạng hơn. Bình thường nhiệt độ cơ thể của chó là khoảng 37.5 đến 39,2 độ C, nếu thân nhiệt cao hơn mức này thì khả năng cao chó đã bị sốt. Ngoài việc sử dụng nhiệt kế, bạn quan sát chó nhà mình có các dấu hiệu như:
Mũi khô và ấm: Mũi chó thường mát và ẩm, nhưng khi bị sốt, mũi sẽ trở nên khô và ấm hơn.
Lờ đờ, uể oải: Chó có thể trở nên ít hoạt động, nằm một chỗ và không muốn chơi đùa.
Chán ăn: Chó có thể bỏ ăn hoặc ăn ít hơn bình thường.
Uống nhiều nước: Chó có thể uống nhiều nước hơn bình thường để bù nước cho cơ thể.
Thở nhanh: Chó có thể thở nhanh hơn bình thường do sốt cao.
Run rẩy: Chó có thể run rẩy do sốt hoặc cảm thấy khó chịu.
Tiêu chảy hoặc nôn mửa: Một số trường hợp chó bị sốt có thể kèm theo tiêu chảy hoặc nôn mửa.
Mắt đỏ và chảy nước mắt, mắt đổ ghèn: Mắt chó có thể đỏ chảy nước mắt và có ghèn do sốt.
Nguyên nhân phổ biến khiến chó bị sốt
Nhiễm trùng thường là nguyên nhân phổ biến nhất khiến nhiệt độ cơ thể chó tăng cao. Nhiễm trùng có thể xuất phát từ vi khuẩn, nấm hoặc virus, và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của cơ thể chó. Ví dụ, nhiễm trùng có thể xảy ra tại phổi (gây viêm phổi), thận (gây viêm thận), não (gây viêm não), hoặc thậm chí là ở da.
Một số bệnh nhiễm trùng phổ biến mà chó thường gặp phải bao gồm:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI).
- Nhiễm trùng tai.
- Nhiễm trùng từ vết thương hoặc vết cắt.
- Nhiễm trùng ở các cơ quan nội tạng như gan hoặc thận.
- Nhiễm trùng hoặc vi khuẩn gây áp xe tại răng.
- Các bệnh vi khuẩn hoặc virus khác đang hoạt động trong cơ thể.
Nhiễm độc khi chó của bạn tiếp xúc hoặc nuốt phải các chất độc hại, dẫn đến việc bị tác động tiêu cực bởi sự lan truyền của chất độc trong cơ thể, làm suy giảm hoạt động bình thường của các cơ quan. Dưới đây là một số loại chất được coi là độc đối với chó mà bạn cần chú ý:
- Cây độc
- Chất chống đông
- Thuốc dành cho người
- Một số thực phẩm hoặc sản phẩm chứa chất làm ngọt nhân tạo như xylitol
- Thuốc diệt chuột
Vaccine tiêm phòng, hệ miễn dịch của chó sau tiêm sẽ phản ứng bằng cách tạo ra nhiệt. Do đó, có thể chó sẽ sốt nhẹ trong khoảng thời gian từ 24 đến 48 giờ. Điều này thường không đe dọa đến sức khỏe. Mặc dù sốt do vaccine có thể kéo dài trong vòng 1-2 ngày, nhưng cần lưu ý theo dõi tình trạng sức khỏe của chó, đặc biệt là nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào kéo dài lâu hơn.
Sốt sữa ở chó mẹ là một hiện tượng phổ biến xảy ra sau hoặc trong thời kỳ thai sản. Điều này xảy ra khi lượng canxi trong máu bị mất cân bằng đột ngột trong quá trình cho con bú. Hệ thống hoạt động của thần kinh trung ương bị rối loạn, làm cho não không thể điều chỉnh được nhiệt độ cơ thể và chức năng hô hấp.
Chó bị sốt phải làm sao? Cách hạ sốt cho chó tại nhà hiệu quả
- Sử dụng nước mát: Đảm bảo đủ nước mát cho chó uống và làm mát cơ thể. Bạn đặt một tấm khăn ướt mát lên cơ thể chó để giúp hạ nhiệt độ hoặc nhúng khăn vào nước ấm, vắt khô và lau nhẹ nhàng khắp cơ thể chó. Quấn thêm khăn ẩm ở 2 tai và bàn chân. Lưu ý: Tránh đặt đá hoặc nước lạnh trực tiếp lên cơ thể chó vì điều này có thể gây sốc nhiệt độ và có thể làm chó bị co giật.
- Dùng quạt hoặc điều hòa: Cho chó ở gần quạt hoặc trong phòng có máy điều hòa nhiệt độ vừa phải để làm mát không khí xung quanh.
- Kết hợp uống thêm nước đường, nước pha mật ong ấm hoặc nước gừng ấm.
- Bổ sung dinh dưỡng: Cho chó ăn thức ăn mềm dễ tiêu hóa để giảm áp lực cho hệ tiêu hóa hạn chế nguy cơ đầy hơi, khó tiêu. Tránh cho chó ăn thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ. Bổ sung thêm vitamin B (có trong thịt bò, thịt lợn, thịt gà, cá, trứng) và vitamin C (có trong bông cải xanh, cà rốt, khoai lang) để giúp chó nhanh hồi phục sức khỏe.
Chó bị sốt bỏ ăn phải làm sao?
Do cơ thể đang mệt mỏi nên chó thường không muốn ăn uống nhiều. Lúc này bạn nên chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa, cho chó uống nước hầm xương bò hoặc gà là nguồn dinh dưỡng dễ tiêu hóa, giàu amino acid, vitamin, khoáng chất và collagen, giúp tăng cường hệ miễn dịch và giữ cho chó không bị mất nước. Cho chó ăn cháo trắng loãng hơn bình thường với thịt cắt nhỏ (bỏ da), thêm một ít gel dinh dưỡng để thức ăn hấp dẫn hơn.
Tuyệt đối không tự ý cho chó uống hay tiêm thuốc sốt tại nhà, đặc biệt là các loại panadol, thuốc sốt dành cho người.
Khi nào thì bạn nên cho chó đến gặp bác sĩ thú y?
Sau khi thực hiện các biện pháp hạ nhiệt độ cơ bản chúng ta vẫn cần theo dõi và đưa chó đến bác sĩ thú y. Đặc biệt là khi chó có các triệu chứng nghiêm trọng sau đây:
- Sốt cao trên 39.5°C hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ.
- Có các triệu chứng khác kèm theo như: Tiêu chảy, nôn mửa nhiều, co giật, mất ý thức.
Tại Funpet, các bác sĩ sẽ quyết định những xét nghiệm cận lâm sàng nào bé chó của bạn cần thực hiện dựa trên các triệu chứng lâm sàng khác nữa và tiền sử bệnh của bé. Từ đó đưa ra các quyết định can thiệp kịp thời. Có thể bao gồm: Xét nghiệm sinh lí máu, xét nghiệm sinh hóa máu, chụp X-ray, Siêu âm, hoặc test các bệnh truyền nhiễm hoặc bệnh do ký sinh trùng, soi phân.
Các biện pháp phòng ngừa chó bị sốt
- Giữ vệ sinh sạch sẽ cho chó: đảm bảo chó luôn ở trong môi trường sạch sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng và các vấn đề về sức khỏe.
- Cung cấp ăn thức ăn đầy đủ dinh dưỡng: Một chế độ ăn giàu protein và dồi dào dinh dưỡng sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch cho chó.
- Tiêm phòng đầy đủ theo lịch: việc này giúp bảo vệ chó nhà bạn khỏi nhiều bệnh truyền nhiễm có thể gây sốt.
- Tránh cho chó tiếp xúc với môi trường nóng bức. Khi thời tiết nóng, hãy giữ chó ở trong nhà hoặc nơi mát mẻ để tránh nguy cơ quá nhiệt.
- Hạn chế cho chó tiếp xúc với các bạn vật nuôi khác. Việc tiếp xúc với các động vật khác có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc bệnh tật truyền nhiễm cho chó.
- Tăng cường sức đề kháng: bằng cách bổ sung một số loại vitamin, khoáng chất và vận động hợp lý mỗi ngày để tăng hệ miễn dịch.
Bác sĩ Funpet giải đáp một số thắc mắc liên quan đến tình trạng Chó bị sốt
Chó bị sốt có uống sữa được không?
Chó bị sốt thường có hệ tiêu hóa yếu hơn, và việc uống sữa có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy hoặc đầy hơi, đặc biệt là nếu chó không dung nạp lactose. Tốt nhất là tránh cho chó uống sữa khi chúng đang bị sốt và thay vào đó cung cấp nước sạch hoặc nước hầm xương để bù nước và cung cấp dinh dưỡng.
Có nên cho chó bị sốt ăn thức ăn sống không?
Câu trả lời: Không nên cho chó bị sốt ăn thức ăn sống vì hệ miễn dịch của chúng đang yếu và dễ bị nhiễm khuẩn từ thức ăn sống. Thức ăn nên được nấu chín kỹ để đảm bảo an toàn và dễ tiêu hóa.
Có cần phải cách ly chó bị sốt bỏ ăn với các thú cưng khác không?
Nếu chó bị sốt do nhiễm trùng hoặc bệnh truyền nhiễm, việc cách ly chó bị bệnh với các thú cưng khác là cần thiết để ngăn ngừa lây lan bệnh.
Chó bị sốt có thể gây nguy hiểm đến tính mạng không?
Có, nếu không được điều trị kịp thời, sốt cao có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của chó. Nhiệt độ cơ thể quá cao có thể dẫn đến tổn thương nội tạng và các biến chứng nghiêm trọng khác.
Làm thế nào để đo nhiệt độ cho chó một cách chính xác?
Bạn có thể sử dụng nhiệt kế kỹ thuật số dành riêng cho động vật để đo nhiệt độ cho chó. Nhiệt kế trực tràng là chính xác nhất, nhưng nếu chó không thoải mái, bạn có thể sử dụng nhiệt kế đo tai kỹ thuật số dành cho vật nuôi.
Chó bị sốt có thể đi dạo hoặc vận động không?
Câu trả lời: Không nên cho chó đi dạo hoặc vận động mạnh khi chúng đang bị sốt. Chó cần được nghỉ ngơi và giữ ấm để hồi phục nhanh chóng.
Câu hỏi thường gặp
Dấu hiệu khi chó bị sốt?
Để nhận biết chó bị sốt, bạn có thể quan sát các dấu hiệu như mũi khô và ấm, lờ đờ, chán ăn, uống nhiều nước, thở nhanh, run rẩy, mắt đỏ và chảy nước mắt; các triệu chứng nặng hơn: tiêu chảy, nôn mửa. Nếu có nhiệt kế, hãy đo nhiệt độ hậu môn cho chó, nhiệt độ trên 39.2 độ C được coi là sốt.
Cách hạ sốt cho chó tại nhà trong trường hợp sốt nhẹ, không kèm các triệu chứng nguy hiểm?
Bổ sung nước mát hoặc nước điện giải để tránh mất nước. Dùng khăn ẩm lau người cho chó, đặt quạt hoặc điều hòa ở chế độ nhẹ nhàng. Cho ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo loãng, thịt gà luộc hoặc thức ăn chuyên dụng cho chó bị bệnh.
Khi chó bị sốt, tôi có nên tự ý cho chó uống thuốc hạ sốt của người không?
Tuyệt đối không nên tự ý cho chó uống thuốc hạ sốt của người, đặc biệt là các loại thuốc như paracetamol (Panadol). Những loại thuốc này có thể gây ngộ độc nghiêm trọng cho chó, thậm chí dẫn đến tử vong. Nếu chó bị sốt, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ thú y để được tư vấn về loại thuốc và liều lượng phù hợp.
Kết luận
Chó bị sốt bỏ ăn là một triệu chứng đáng lo ngại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của chó. Việc xác định chính xác nguyên nhân là vô cùng quan trọng để có phương pháp điều trị hiệu quả. Nếu chó chỉ bỏ ăn trong thời gian ngắn và không kèm theo các triệu chứng khác, bạn có thể thử thay đổi thức ăn, bổ sung vitamin hoặc điều chỉnh chế độ ăn uống. Tuy nhiên, nếu tình trạng bỏ ăn kéo dài hoặc kèm theo các triệu chứng khác như sốt, nôn mửa, tiêu chảy, lờ đờ,… bạn cần đưa chó đến gặp bác sĩ thú y để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.