Bệnh giảm bạch cầu ở mèo nguy hiểm như thế nào? Làm sao để nhận biết và điều trị kịp thời? Bài viết sau đây Funpet sẽ cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh giảm bạch cầu hiệu quả nhất.
Bệnh suy giảm bạch cầu ở mèo (FPV) hay còn gọi là viêm ruột truyền nhiễm (Feline Infectious Enteritis) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra làm suy giảm nghiêm trọng hệ miễn dịch của mèo, gây thiếu máu và khiến mèo dễ bị nhiễm trùng.
Bệnh có thể lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp, lây nhanh và dễ dàng hơn đối với mèo con, mèo chưa được tiêm phòng, mèo đang mang thai hoặc mèo có sức đề kháng yếu. FPV là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất ở loài mèo và có tỷ lệ tử vong rất cao lên đến 90%.
Nguyên nhân gây bệnh giảm bạch cầu
Felien pavovirus (FPV)
Bệnh Giảm bạch cầu ở mèo do DNA virus tên Felien pavovirus(F.P.V) thuộc nhóm Pavovirus hay còn có một tên gọi khác là Virus Feline Panleukopenia gây ra, Virus FPV có khả năng lây lan rất nhanh và tồn tại dai dẳng trong môi trường, kháng được nhiều loại thuốc sát trùng và nhiệt độ cao.
Di truyền từ mèo mẹ sang mèo con
Một số mèo mẹ mang virus FPV nhưng không có triệu chứng có thể truyền virus sang mèo con trong quá trình mang thai hoặc cho con bú. Mèo con sinh ra đã mang virus này.
Tiếp xúc với mèo bệnh
Mèo khỏe mạnh có thể bị lây nhiễm khi tiếp xúc với dịch tiết, chất thải (phân, nước tiểu, nước bọt) của mèo bệnh. Dùng chung đồ dùng như bát ăn, khay vệ sinh, khăn lau cũng là con đường lây lan phổ biến.
Mèo đi đến nơi có Virus FPV còn tồn tại trong môi trường
Mèo sống gần các cơ sở giết mổ, môi trường ô nhiễm, nơi có nhiều mèo hoang và mèo thả rông. Hoặc bạn cho bé đến điều trị bệnh khác không phải giảm bạch cầu ở cơ sở thú y không đạt chuẩn, không khử trùng sạch sẽ virus còn trong môi trường gây ra lây nhiễm chéo.
Mèo bị lây gián tiếp thông qua tiếp xúc với con người
Con người có thể vô tình trở thành trung gian lây nhiễm virus cho mèo khỏe mạnh nếu trước đó đã tiếp xúc với mèo bệnh mà không vệ sinh, khử trùng tay và quần áo.
Con đường xâm nhập, lây lan của virus FPV trong cơ thể Mèo
Bệnh giảm bạch cầu ở mèo lây qua đường nào? Virus FPV xâm nhập vào cơ thể mèo qua đường miệng hoặc mũi (tức đường hô hấp và tiêu hóa). Chỉ sau 24 giờ, virus đã có thể phát hiện được trong máu và bắt đầu xâm nhập vào các tế bào lympho ở amidan và ruột. Chúng đi qua các hạch amidan, hạch mạc treo ruột rồi vào máu, lan tràn khắp cơ thể, đặc biệt là đến các mô có tốc độ phân chia tế bào cao và các cơ quan lympho như tuyến ức, tủy xương, lách và các nang lympho ở ruột.
Virus FPV tấn công hệ miễn dịch, phá hủy các tế bào bạch cầu, đặc biệt là lympho và các tế bào gốc tạo máu ở tủy xương. Sự tấn công này gây ra tình trạng giảm bạch cầu nghiêm trọng, làm suy yếu hệ miễn dịch của mèo, khiến chúng dễ bị nhiễm trùng và các bệnh khác.
Không chỉ tấn công hệ miễn dịch, FPV còn gây tổn thương trực tiếp lên niêm mạc ruột. Sự phá hủy này gây ra các triệu chứng đặc trưng của bệnh như nôn mửa, tiêu chảy, mất nước và suy nhược.
Mèo sau khi khỏi bệnh vẫn có thể tiếp tục thải virus trong vài tháng tiếp theo.
Dấu hiệu nhận biết khi mèo bị bệnh giảm bạch cầu
Thời gian ủ bệnh giảm bạch cầu ở mèo thường từ 2-3 ngày, đôi khi có thể kéo dài đến 5-7 ngày.
Mèo nhiễm virus FPV có thể không biểu hiện triệu chứng hoặc biểu hiện triệu chứng với các mức độ khác nhau. Dựa vào biểu hiện lâm sàng, bệnh giảm bạch cầu ở mèo được chia thành 4 thể:
Thể quá cấp tính
Ở thể này, bệnh diễn biến đột ngột và nhanh chóng. Trong vòng 24 giờ, mèo có thể xuất hiện triệu chứng đau bụng, suy nhược nghiêm trọng và tử vong. Do diễn biến nhanh và không đặc hiệu, thể quá cấp tính của bệnh giảm bạch cầu thường dễ bị nhầm lẫn với ngộ độc.
Thể cấp tính
Đây là thể bệnh phổ biến nhất, gây tử vong nhanh chóng sau khi nhiễm virus. Mèo sốt cao, bỏ ăn, lừ đừ, lông xù và bẩn. Niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu.
Bên cạnh đó, mèo bị rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng, nôn mửa và tiêu chảy liên tục dẫn đến mất nước và mất sức. Ở mèo trưởng thành, bệnh tiến triển nặng có thể gây khát nước dữ dội nhưng không thể uống được. Sau vài ngày, mèo rơi vào hôn mê và tỷ lệ tử vong lên tới 80%.
Thể ẩn tính
Ở thể này, triệu chứng thường nhẹ hơn, mèo chỉ sốt nhẹ, chán ăn và không có biểu hiện lâm sàng nào khác. Nếu được điều trị kịp thời, mèo có thể hồi phục và phát triển miễn dịch lâu dài.
Thể thần kinh
Thể thần kinh thường gặp ở mèo con mới sinh do lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai. Mèo con nhiễm bệnh thường mất khả năng phối hợp vận động, yếu ớt và có tiên lượng xấu.
Mèo bị bệnh giảm bạch cầu có chữa được không?
Bệnh giảm bạch cầu ở mèo có thể điều trị được, tuy nhiên quá trình điều trị thường phức tạp, tốn kém và đòi hỏi thời gian.
Tỷ lệ tử vong do bệnh này khá cao, đặc biệt ở mèo con và mèo chưa được tiêm phòng. Khả năng hồi phục của mèo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm thể trạng, độ tuổi, mức độ nhiễm trùng thứ phát và thời điểm bắt đầu điều trị. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời là yếu tố quan trọng giúp tăng cơ hội sống sót cho mèo.
Phương hướng chẩn đoán bệnh giảm bạch cầu ở mèo
Khám và chẩn đoán lâm sàng
Bác sĩ thú y sẽ tiến hành khám lâm sàng toàn diện dựa trên đặc điểm dịch tễ và biểu hiện lâm sàng, bệnh giảm bạch cầu thường gặp ở mèo từ 3 tháng đến 1 năm tuổi. Mèo bệnh sốt cao, có các triệu chứng tiêu hóa như viêm ruột, tiêu chảy và giảm bạch cầu rõ rệt.
Bệnh giảm bạch cầu cần được phân biệt với các bệnh lý khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự, bao gồm:
- Nhiễm virus Leukemia ở mèo (FeLV)
- Nhiễm khuẩn Salmonella (Salmonellosis)
- Thủng ruột
- Các bệnh lý về tủy xương
- Các bệnh tự miễn
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán bệnh giảm bạch cầu ở mèo. Các chỉ số cần chú ý bao gồm:
- Số lượng bạch cầu: Giảm mạnh là dấu hiệu đặc trưng của bệnh.
- Số lượng tiểu cầu: Có thể giảm do virus phá hủy tế bào máu.
- Các chỉ số khác: Mức độ mất nước, tình trạng nhiễm trùng, rối loạn điện giải…
Sử dụng que test nhanh
Que test nhanh phát hiện kháng nguyên FPV trong phân hoặc dịch nôn của mèo. Phương pháp này dựa trên nguyên lý sắc ký miễn dịch, cho kết quả nhanh chóng trong vòng 10-15 phút. Tuy nhiên, kết quả có thể bị ảnh hưởng nếu mèo mới được tiêm phòng gần đây.
Các xét nghiệm chuyên sâu khác (nếu cần)
Phương pháp PCR: Đây là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất để phát hiện virus FPV, tuy nhiên đòi hỏi thời gian và phòng thí nghiệm chuyên biệt.
Phương pháp PCR cải tiến POCKIT iiPCR: Đây là kỹ thuật PCR cải tiến, cho phép chẩn đoán nhanh tại thực địa trong vòng 1-2 giờ, với độ chính xác tương đương PCR tại phòng thí nghiệm.
Kết quả xét nghiệm dương tính với virus FPV xác định chẩn đoán bệnh giảm bạch cầu.
Sinh thiết tủy xương: Đánh giá mức độ tổn thương tủy xương.
Điều trị giảm bạch cầu cho mèo
Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nào cho bệnh giảm bạch cầu ở mèo. Quá trình điều trị tập trung vào việc kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa tử vong cho mèo bệnh.
Các biện pháp điều trị thường được áp dụng bao gồm:
Kháng sinh: Sử dụng kháng sinh phổ rộng để kiểm soát các nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn gây ra.
Thuốc kháng virus: Trong một số trường hợp, bác sĩ thú y có thể sử dụng thuốc kháng virus để ức chế sự phát triển của virus gây bệnh.
Truyền dịch: Bù nước và điện giải qua đường truyền tĩnh mạch giúp duy trì cân bằng nội môi và hỗ trợ chức năng các cơ quan trong cơ thể mèo.
Truyền máu/thuốc bổ máu: Truyền máu hoặc sử dụng các loại thuốc kích thích tạo máu giúp cải thiện tình trạng thiếu máu và tăng số lượng bạch cầu trong máu.
Thuốc giảm đau và chống nôn: Các loại thuốc này giúp giảm bớt sự khó chịu và cải thiện chất lượng cuộc sống cho mèo bệnh.
Phương pháp phòng ngừa bệnh giảm bạch cầu ở mèo
Bệnh giảm bạch cầu là một bệnh nguy hiểm và khó lường. Do đó, chủ động phòng ngừa là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe mèo cưng của bạn.
Tiêm phòng vắc xin
Vắc xin phòng bệnh FPV có hiệu quả rất cao trong việc bảo vệ mèo khỏi bệnh giảm bạch cầu. Nếu mèo của bạn chưa được tiêm phòng, hãy đưa bé đến bác sĩ thú y càng sớm càng tốt.
Lịch tiêm phòng vắc xin FPV cho mèo con gồm ba mũi, khi mèo được 8-10 tuần tuổi bạn nên cho bé đi tiêm ngừa và sau đó tái chủng định kỳ theo lịch của bác sĩ:
Mũi 1: Khi mèo được 8-10 tuần tuổi.
Mũi 2: Cách mũi 1 khoảng 4 tuần.
Mũi 3: Khi mèo được 16 tuần tuổi.
Không thả rông mèo
Mèo thả rông có nguy cơ tiếp xúc nhiễm bệnh cao hơn do tự đi chơi và tiếp xúc với môi trường ô nhiễm hoặc liếm láp với mèo hoang có thể mang mầm bệnh mà ta không kiểm soát được.
Khám sức khỏe định kỳ
Đưa mèo đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và tiêm phòng nhắc lại theo khuyến cáo của bác sĩ thú y.
Vệ sinh môi trường sống
Vệ sinh chuồng nuôi, rửa sạch khay vệ sinh, đồ dùng của mèo thường xuyên. Sát trùng định kỳ bằng các sản phẩm chuyên dụng (dung dịch Virkon) để tiêu diệt mầm bệnh.
Cách ly mèo bệnh & Khử khuẩn virus giảm bạch cầu ở mèo
Nếu nghi ngờ mèo bị bệnh, hãy cách ly ngay lập tức để tránh lây lan sang các cá thể khác.
Vệ sinh toàn bộ nhà cửa, rửa sạch khay vệ sinh, đồ dùng của mèo bằng các sản phẩm chuyên dụng như: dung dịch Virkon, dung dịch xịt khử khuẩn nano bạc DKGREEN,… để tiêu diệt mầm bệnh.
Bạn dùng bình xịt hoặc cây lau để phun dung dịch lên toàn bộ bề trong nhà bao gồm cả nền nhà, vách tường, góc khuất,… đảm bảo dung dịch tiếp xúc đều khắp. Mở cửa thông thoáng để dung dịch khử trùng khô hoàn toàn, tránh cho thú cưng khác trong nhà tiếp xúc với khu vực chưa khô.
Chủ nuôi tự vệ sinh cá nhân sạch sẽ sau khi bạn tiếp xúc với mèo lạ
Vì virus FPV có thể bám trên quần áo, tay chân hoặc người của bạn khi lỡ ôm mèo lạ bị nhiễm bệnh bên ngoài, sau đó bạn quay trở về và tiếp xúc với mèo nuôi trong nhà thì vẫn có khả năng lây bệnh. Do đó hãy vệ sinh cá nhân, thay một bộ đồ khác trước khi vuốt ve mèo nhà mình nhé.
Câu hỏi thường gặp
Cách chữa giảm bạch cầu ở mèo tại nhà?
Giảm bạch cầu ở mèo là một bệnh lý nguy hiểm, không thể chữa trị tại nhà. Để tăng cơ hội sống cho mèo, bạn cần đưa mèo đến cơ sở thú y càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Mèo ở độ tuổi nào dễ bị nhiễm bệnh giảm bạch cầu nhất?
Mèo con từ 3 tháng đến 1 năm tuổi là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất. Mèo trưởng thành cũng có thể mắc bệnh nhưng thường ở thể nhẹ hơn.
Giảm bạch cầu ở mèo có lây không?
Có. Giảm bạch cầu ở mèo (FPV) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh qua đường hô hấp và tiêu hóa.
Mèo đã từng mắc bệnh giảm bạch cầu có thể bị lại không?
Mèo đã từng mắc bệnh giảm bạch cầu và được chữa khỏi thường sẽ phát triển miễn dịch suốt đời đối với virus FPV. Tuy nhiên, việc tiêm phòng vẫn được khuyến khích để đảm bảo mèo có miễn dịch mạnh mẽ và lâu dài về sau.
Bệnh giảm bạch cầu ở mèo có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của mèo không?
Bệnh giảm bạch cầu có thể gây ra các vấn đề về sinh sản ở mèo, bao gồm sảy thai, đẻ non, và mèo con sinh ra yếu ớt hoặc chết non. Mèo mẹ bị nhiễm FPV trong thời kỳ mang thai có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề này.
Mèo đã tiêm phòng có thể hoàn toàn miễn nhiễm với bệnh giảm bạch cầu không?
Mèo đã tiêm phòng có khả năng miễn dịch cao đối với bệnh giảm bạch cầu, nhưng không hoàn toàn miễn nhiễm. Mèo đã tiêm phòng có thể vẫn bị nhiễm virus nhưng các triệu chứng sẽ nhẹ hơn và tỷ lệ sống sót cao hơn so với mèo chưa được tiêm phòng.
Bệnh giảm bạch cầu ở mèo có lây sang người không?
Bệnh giảm bạch cầu ở mèo không lây sang người vì nó do virus Feline Parvovirus (FPV) gây ra. Virus này có đặc tính di truyền chuyên biệt để xâm nhập và nhân lên trong tế bào của mèo, không phù hợp với tế bào người. FPV chỉ có thể nhân lên trong các tế bào đang phân chia nhanh chóng như tế bào lympho, tủy xương và ruột của mèo.